Lịch sử hoạt động Boeing B-29 Superfortress

Thế chiến II

B-29 đang bay

Kế hoạch ban đầu, áp dụng dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Franklin D. Roosevelt như là một lời hứa đối với Trung Quốc và gọi là Chiến dịch Matterhorn, dùng B-29 tấn công Nhật Bản từ 4 căn cứ tiền phương ở Quảng Tây, Nam Trung Hoa, và 5 căn cứ chính ở Ấn Độ, và để tấn công các mục tiêu khác trong khu vực Trung Hoa - Ấn Độ khi cần thiết. Vùng Chengdu được chọn sau đó hơn là vùng Guilin để loại bớt việc cần phải tập trung, trang bị và huấn luyện cho 50 sư đoàn Trung Hoa để bảo vệ các căn cứ tiền phương khỏi sự tấn công trên bộ từ phía Nhật. Ban đầu dự định có 2 không đoàn, được rút xuống còn 1 không đoàn với 4 nhóm do thiếu máy bay, đã giới hạn hiệu quả các cuộc tấn công từ Trung Hoa.

Đây là một kế hoạch cực kỳ tốn kém, vì không có liên lạc đường bộ giữa Ấn Độ và Trung Hoa, nên mọi tiếp liệu phải được không vận qua dãy núi Himalayas. B-29 bắt đầu đến Ấn Độ từ đầu tháng 4-1944. Chuyến bay B-29 đầu tiên đến đến các sân bay Trung Quốc (qua dãy Himalayas, hay "The Hump") diễn ra ngày 24 tháng 4 năm 1944. Phi vụ chiến đấu B-29 đầu tiên bay vào ngày 5 tháng 6 năm 1944, với 77 trong số 98 máy bay cất cánh từ Ấn Độ ném bom xưởng đường sắt tại Bangkok (5 chiếc B-29 bị mất do những lý do kỹ thuật).

Ngày 15 tháng 6 năm 1944, 47 chiếc B-29 cất cánh từ Chengdu, Trung Hoa, ném bom Nhà máy Sắt Thép Hoàng gia tại Yawata. Đây là trận tấn công đảo chính quốc Nhật đầu tiên kể từ trận không kích Doolittle vào tháng 4 năm 1942. Trong trận này, chiếc B-29 đầu tiên bị mất trong chiến đấu khi phải hạ cánh khẩn cấp và bị máy bay tiêm kích Nhật phá hủy trên mặt đất.

Vì những chiến dịch này có chi phí rất đắt, việc tấn công Nhật từ các sân bay Trung Hoa tiếp tục với mật độ tương đối thấp. Nhật Bản bị ném bom vào: 7 tháng 7 năm 1944 (14 B-29s), 29 tháng 7 (70+), 10 tháng 8 (24), 20 tháng 8 (61), 8 tháng 9 (90), 26 tháng 9 (83), 25 tháng 10 (59), 12 tháng 11 (29), 21 tháng 11 (61), 19 tháng 12 (36) và cuối cùng vào 6 tháng 1 năm 1945 (49). B-29 được rút khỏi các sân bay Trung Hoa vào cuối tháng 1-1945. Trong suốt thời kỳ này B-29 từ Ấn Độ và Trung Hoa cũng tấn công vào nhiều mục tiêu khác khắp Đông Nam Á. Tuy nhiên, toàn bộ các nỗ lực của B-29 được chuyển dần sang các căn cứ mới ở quần đảo Mariana, và phi vụ B-29 cuối cùng từ Ấn Độ thực hiện ngày 29 tháng 3 năm 1945.

Chiếc Boeing B-29 Superfortress "Enola Gay" hạ cánh sau khi hoàn thành nhiệm vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima, Nhật Bản.

Nhu cầu sử dụng những căn cứ không thuận tiện ở Trung Hoa để tấn công Nhật Bản chấm dứt sau khi Mỹ chiếm được quần đảo Mariana vào năm 1944. Trên các đảo Tinian, SaipanGuam, 5 sân bay chính được xây dựng, mỗi sân bay làm căn cứ cho một không đoàn (4 phi đội) B-29, trở thành điểm cất cánh của những cuộc không kích B-29 lớn vào Nhật Bản vào năm cuối cùng của cuộc chiến. Các đảo này được tiếp liệu dễ dàng bằng tàu. Chiếc B-29 đầu tiên đến Saipan ngày 12 tháng 10 năm 1944, và phi vụ chiến đấu đầu tiên bay vào ngày 28 tháng 10 với 14 chiếc B-29 tấn công đảo san hô Truk. Phi vụ đầu tiên thực hiện trên chính quốc Nhật từ Marianas bay ngày 24 tháng 11 năm 1944, với 111 chiếc B-29 tấn công Tokyo. Từ lúc ấy, các cuộc không kích căng thẳng hơn được thực hiện đều đặn cho đến hết chiến tranh. Nó thành công trong việc hủy diệt tất cả các thành phố lớn của Nhật (ngoại trừ Kyoto) và gây thiệt hại nặng cho công nghiệp chiến tranh Nhật Bản. Mặc dù ít được ngưỡng mộ, chương trình thả mìn bằng máy bay do B-29 thực hiện nhằm phong tỏa các tuyến đường thủy và lối ra vào hải cảng Nhật Bản làm suy giảm nghiêm trọng khả năng cung cấp cho thường dân và tiến hành chiến tranh.

Có lẽ chiếc B-29 nổi tiếng nhất là chiếc Enola Gay, đã thả trái bom nguyên tử 'Little Boy' xuống Hiroshima ngày 6 tháng 8 năm 1945. Bockscar, một chiếc B-29 khác, thả 'Fat Man' xuống Nagasaki ba ngày sau. Cả hai được chọn để cải tiến ngay trên dây chuyền sản xuất ở xưởng Omaha mà sau này trở thành căn cứ không quân Offutt.

B-29 chỉ được sử dụng trong Thế Chiến II tại Mặt trận Thái Bình Dương.

Xung đột Triều Tiên

B-29 tham gia Chiến tranh Triều Tiên, ban đầu trong các phi vụ ném bom chiến lược ban ngày, và một số ít các mục tiêu chiến lược và xí nghiệp tại Bắc Triều Tiên nhanh chóng bị san bằng. Quan trọng hơn, từ năm 1950 một số máy bay tiêm kích phản lực Xô Viết MiG-15 'Fagot' xuất hiện trên bầu trời Triều Tiên (một kiểu máy bay được thiết kế đặc biệt để bắn hạ B-29), và sau một số thiệt hại, các phi vụ của B-29 sau đó được giới hạn chỉ bay đêm, hầu hết nhằm mục đích can thiệp. Trong suốt cuộc chiến, B-29 bay 20.000 phi vụ, thả 200.000 tấn bom, còn các xạ thủ trên B-29 bắn rơi được 27 máy bay địch.[8]

Nhiệm vụ chính của MiG-15 là chặn đánh các phi đội máy bay ném bom hạng nặng B-29 Superfortress của Không lực Hoa Kỳ. Để đảm bảo cho việc tiêu diệt chiếc B-29 to lớn, MiG-15 được trang bị pháo hạng nặng có tầm bắn xa: 2 pháo 23mm với 80 viên đạn mỗi pháo, một pháo 37mm với 40 viên đạn. Theo tính toán, chỉ cần vài phát đạn 37mm trúng đích là đủ để hạ chiếc B-29.

Thứ 5 ngày 12 tháng 4 năm 1951 được gọi là ngày thứ năm đen đủi của phi công Mỹ khi 3 phi đội MiG-15 (2 phi đội của Liên Xô, 1 phi đội của Trung Quốc, tổng cộng 44 chiếc) tấn công 3 phi đội ném bom B-29 (48 chiếc) cùng với 18 máy bay F-86 Sabre, 24 chiếc F-80 Shooting Star và 54 chiếc F-84 Thunderjet bay theo bảo vệ. 12 chiếc B-29, 4 chiếc tiêm kích bị bắn rơi, nhiều chiếc khác bị bắn hỏng, trong khi không có chiếc MiG nào của Liên Xô và Trung Quốc bị hạ. Các phi công Xô viết cho rằng: nếu máy bay Mỹ không vội quay đầu về phía bờ biển, nơi các phi cơ của Liên Xô không được phép bay vào thì tổn thất của không quân Mỹ sẽ còn trầm trọng hơn nữa. Sau đó phía Mỹ đã công bố con số thiệt hại là 10 máy bay ném bom B-29, gồm 3 chiếc rơi và 7 chiếc bị hư hại nặng không thể sửa chữa. Không quân Hoa Kỳ tuyên bố để tang một tuần lễ cho các phi công tử trận và ngày 12 tháng 4 trở thành "ngày thứ Năm đen tối". Các phi vụ của Mỹ bị dừng lại trong khoảng ba tháng sau đó, buộc các lực lượng Hoa Kỳ phải thay đổi chiến thuật ban đêm trong các nhóm nhỏ.[9]

Sau đó 6 tháng, không chiến tái diễn ác liệt. Cựu phi công Kramarenko cho biết: một số phi công Liên Xô tuyên bố đã có tới 20 chiếc B-29 bị MiG-15 bắn rơi trong tuần lễ không chiến ác liệt từ 20 tới 27/10/1951. Trong đó, ngày 23/10/1951 tiếp tục trở thành "ngày thứ ba đen tối' của Không quân Mỹ khi họ bị tiêm kích MiG-15 bắn hạ một nửa số pháo đài bay B-29 Superfortress. Để thực hiện cuộc oanh tạc vào Namsi, Mỹ đã điều động lực lượng rất lớn: khoảng 200 tiêm kích hộ tống và 21 máy bay ném bom B-29. Đã có 58 chiếc MiG-15 xuất kích chặn đánh phi đội Mỹ. Những chiếc MiG-15 chia làm nhiều biên đội nhỏ (mỗi biên đội 2 chiếc), đánh bổ nhào từ trên cao, tấn công cùng lúc từ nhiều hướng để tận dụng ưu thế cơ động. Chiến thuật cơ động nhanh đã phát huy hiệu quả, làm tan rã đội hình của Không quân Mỹ. Trong cuộc không chiến này, 10 pháo đài bay B-29 của Mỹ đã bị tiêu diệt và nhiều máy bay khác bị hư hỏng, 4 chiếc tiêm kích Mỹ cũng bị hạ, trong khi phía Liên Xô chỉ mất duy nhất một tiêm kích MiG-15.[10]

Những tổn thất nặng nề của lực lượng máy bay ném bom hạng nặng B-29 vào cuối tháng 10/1951 đã buộc Bộ Tư lệnh Không lực Viễn Đông (Hoa Kỳ) phải hủy bỏ các cuộc ném bom vào ban ngày của B-29 và chỉ thực hiện các phi vụ ném bom vào ban đêm, dù điều đó làm giảm đi nhiều độ chính xác của những trận ném bom</ref>Davis 2001, tr. 91</ref>

Trong suốt cuộc chiến, 79 chiếc B-29 đã bị rơi, bao gồm 57 chiếc bị rơi khi bay chiến đấu và 21 chiếc bị rơi bởi các nguyên nhân ngoài chiến đấu[11]

Phục vụ sau chiến tranh

B-29 nhanh chóng trở nên lạc hậu sau sự phát minh ra động cơ phản lực. Với sự ra đời của chiếc Convair B-36 khổng lồ, B-29 được phân loại lại thành máy bay ném bom tầm trung trong Không quân Hoa Kỳ mới thành lập. Tuy nhiên, biến thể B-50 sau đó (có tên ban đầu là B-29D) thực hiện khá tốt những vai trò tìm kiếm cứu nạn trên biển, trinh sát điện tử, và ngay cả tiếp nhiên liệu trên không. Những vai trò căn bản của B-50D được thay thế vào đầu thập kỷ 1950 bởi chiếc Boeing B-47 Stratojet, rồi chiếc này cũng được thay bằng Boeing B-52 Stratofortress. Tổng cộng có 3.970 chiếc B-29 đã được chế tạo trước khi nó nghỉ hưu vào năm 1960.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Boeing B-29 Superfortress http://www.avweb.com/news/columns/182150-1.html http://www.avweb.com/news/pelican/182150-1.html http://www.b-29doc.com/ http://www.moninoaviation.com/39a.html http://www.scarsdalemura-kara.com/B29s.htm http://www.xmission.com/~tmathews/b29/b29.html http://history.sandiego.edu/gen/st/~plewis/ http://www.nasm.si.edu/research/aero/aircraft/boei... http://alsos.wlu.edu/qsearch.aspx?browse=warfare/B... http://www.hq.nasa.gov/pao/History/SP-468/cover.ht...